Ngành cao su Việt Nam điêu đứng từ nông dân tới đại gia
Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015.
Người đăng:
Là Vậy Đó
Giá cao su thế giới trượt dốc không phanh khiến ngành cao su Việt Nam điêu đứng, từ đại gia tới nông dân trong ngành này bị thiệt hại và khổ sở.
Cảnh tình này đang rất bi đát, ngay đến những đại gia cao su cũng phải chặt bỏ hoặc bán thao đi hàng trăm hecta đất trồng cao su khi tương lai cây công nghiệp này vẫn rất mờ mịt, nông dân thì khổ khỏi phải nói cũng biết, công nghệ hóa dầu phát triển cũng được coi là một nguyên nhân lớn khiến ngành cao su thế giới đang rơi dần vào cảnh khó khăn hơn nữa.
Trên báo VnExpress đã có bài Đại gia cao su rao bán cả nghìn hécta viết về tình hình ngành cao su nước nhà hiện nay như sau:
Cao su liên tục rớt giá mạnh khiến từ nông dân cho tới doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải chặt bỏ hoặc rao bán.
Chị Hoa (Bình Phước) trồng 3ha cao su. Các năm trước mỗi tháng chị thu hoạch và bán được 90 triệu đồng, nhưng nay không những sản lượng giảm mà giá trị thu được cũng chỉ còn một phần ba, có tháng chỉ trên chục triệu đồng.
“Tôi định bán bớt một ha để đỡ khó khăn nhưng tìm hoài không có người mua vì cao su xuống giá quá thấp nên vẫn cố bám trụ. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn, có thể sẽ chặt bớt để thay thế loại cây khác”, chị Hoa nói.
Không cầm cự được như chị Hoa, nông dân trồng cao su tại Huế, Kon Tum, Đắk Lắk cũng đã chặt bớt loại cây này để trồng khoai mì, mắc ca...
Mới đây, người dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Huế) cũng đã phải đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm.
Cách đây 2 năm mủ cao su có giá 50.000 đồng một kg, sau đó xuống 20.000 đồng và nay chỉ còn 5.000 đồng một kg, khiến nông dân không đủ chi phí cho phân bón, thuê nhân công. Để tồn tại nhiều người đã chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn.
Theo Phòng địa chính huyện Hương Trà, xã Bình Thành có 118ha cao su được trồng vào năm 2005, trong đó có 100ha trong giai đoạn thu hoạch thì nay đã có 3 hộ chặt cao su bán cho doanh nghiệp. Tương tự, xã Hương Bình đến nay đã khai thác chặt bỏ cao su bán gỗ khoảng 51,3ha khiến nhiều hộ khác cũng đang có ý định tương tự.
Cao su Việt Nam tiếp tục gặp khó. Ảnh: MH.
Sở hữu cả nghìn hécta cao su tại Campuchia, chủ một doanh nghiệp ở TP HCM cho hay, 2 năm nay công ty ông phải chịu cảnh lỗ nặng vì Trung Quốc giảm thu mua, giá mủ xuống thấp. Hơn một năm nay ông đã phải bán gần 50% diện tích cao su để cắt lỗ. Nếu trước đây một ha cao su trưởng thành đã cho thu hoạch có giá 800-850 triệu đồng thì nay chỉ bán được 123 triệu. Dẫu vậy, để bán được vườn cao su không hề dễ dàng vì giá trị một tấn cao su hiện nay chỉ 22 triệu đồng. Đối với một ha cao su cho sản phẩm tốt cũng chỉ đạt 1,2-1,8 tấn mỗi năm, nên nếu trừ chi phí hầu như không có lời.
"Tình hình cao su thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó, công nghiệp hóa dầu ngày càng phát triển nên cao su thiên nhiên đang dần hạn chế sử dụng. Do vậy, thời gian tới có thể tôi sẽ tiếp tục bán bớt cao su", doanh nhân này nói.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2015 vừa tổ chức giữa tháng 4, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức từng bị cổ đông chất vấn, bày tỏ quan ngại về tình hình cao su rớt giá mạnh. Ông Đức cho biết giá cao su đã giảm từ 5.000 xuống còn 1.000 USD một tấn, công ty đã mở rộng đầu tư nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn, mang lại lợi nhuận tốt có thể bù đắp cho tình hình cao su rớt giá.
"Doanh nghiệp đã và đang kiểm soát giá thành sản xuất cao su ở mức thấp nhất có thể. Hiện nay giá thành cao su của HAGL là 1.100 USD một tấn. Thực tế công ty vẫn có lãi từ cao su, nhưng không nhiều", ông Đức nói.
Năm 2014 doanh thu thuần từ cao su của HAGL là 227 tỷ đồng, chỉ đạt 67% so với kế hoạch đề ra (341 tỷ đồng) và lợi nhuận gộp là 107 tỷ đồng. Nguồn thu từ cao su của doanh nghiệp đang trên đà sụt giảm khá mạnh dù diện tích trồng thực tế rất lớn, tổng cộng 42.500 hecta. Cơ cấu lợi nhuận gộp từ cao su năm 2014 chiếm tỷ trọng 8,7% so với tổng lợi nhuận toàn tập đoàn nhưng năm 2015 chỉ số này sẽ sụt giảm hơn một nửa, dự kiến điều chỉnh xuống còn 4%. Riêng kế hoạch doanh thu thuần từ cao su của HAGL năm 2015 sẽ giảm 6% so với năm trước.
Dự kiến năm 2015 HAGL vẫn tiếp tục chăm sóc 42.500 hecta cao su đã trồng, bảo dưỡng vận hành nhà máy chế biến mủ cao su nhưng chỉ tiến hành cạo mủ có chọn lọc đối với cây có kích thước lớn.
Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam cũng cho biết giá mặt hàng này đã giảm liên tục trong 3 năm trở lại đây. Trong 2011, giá cao su ở mức 5.000 USD mỗi tấn thì nay chỉ còn 1.500 USD, giảm đến 70%. Giá bán ra khoảng 31 triệu đồng mỗi tấn trong khi giá thành sản xuất tối thiểu vẫn là 30 triệu đồng dù đã tiết giảm chi phí. Với mức giá này, nếu các doanh nghiệp làm ăn không khéo sẽ lỗ.
Các doanh nghiệp sản xuất khác như Công ty cổ phần công nghiệp Cao su miền Nam (Mã CK: CSM) cũng đang trên đà giảm lãi. Năm ngoái, công ty đạt doanh thu cao hơn năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 8%. Đến quý I/2015, lợi nhuận sau thuế của đơn vị chỉ đạt 54,6 tỷ đồng, giảm tới 30,4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I mặt hàng cao su xuất khẩu đạt 196.000 tấn, tương đương 279 triệu USD, tăng 35,1% về khối lượng nhưng giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong cuộc họp triển khai công tác và sản xuất kinh doanh 2015 tại TP HCM, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, năm nay ngành cao su tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bởi giá cao su nguyên liệu đang có xu hướng giảm sâu. Do vậy, trong thời gian tới, ngành cao su cần cân nhắc không chạy theo diện tích và sản lượng. Nên tập trung vào cắt giảm giá thành để đảm bảo duy trì lợi nhuận và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu thị trường thế giới, tiếp cận nhiều hơn những phân khúc thị trường có giá trị cao, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong báo cáo của Bộ này lên Chính phủ, Bộ cũng đã đưa ra các giải pháp khuyên các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với các nước sản xuất cao su trong khu vực và thế giới để thống nhất điều tiết nguồn cung; giảm giá thành xuất khẩu thông qua việc không kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu kinh doanh thương mại cho sản phẩm cao su sơ chế như các nông, thủy sản sơ chế khác.
Điều đáng buồn khác là dù ngành cao su Việt Nam đang khó khăn dai dẳng thì giá các thành phẩm cao su trên thị trường như vỏ xe, nệm giường nằm,...vẫn không hề giảm giá bán, cho thấy việc chỉ có ngành chế biến xuất bán cao su thô ở nước ta mới bị ảnh hưởng nặng nề.
Là Vậy Đó
Bài liên quan