Coi chừng nhiễm bệnh ghẻ sinh dục khi tiếp xúc gần nhau
Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Dù dưới hình thức nào cũng hãy coi chừng bị nhiễm bệnh ghẻ sinh dục khi tiếp xúc quá gần nhau dù cho đó là người yêu hay ai khác.
Đa số người nhiễm bệnh ghẻ sinh dục thường phát hiện bệnh khá trễ hoặc nhầm lẫn nó với các triệu chứng bệnh lý khác nên xử lý sai, đơn giản hơn là do quá ngại đi khám chuyên khoa nên khiến bệnh kéo dài. Đối với người có sức đề kháng cao thì kh mắc phải số lượng ghẻ không đáng kể, nhưng ai đề kháng yếu sẽ dễ trở nặng.
Để hiểu hơn về căn bệnh này cũng như cách xử lý đúng, mời đọc "Bệnh ghẻ sinh dục dễ lây nhiễm khi tiếp xúc gần" đăng trên VnExpress như sau:
Bệnh ghẻ sinh dục lây truyền qua đường quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc gần gũi giữa thành viên trong gia đình.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Học, Phòng khám Nam học - Tình dục, Khoa Tiết niệu Nam học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh ghẻ do cái ghẻ gây ra, có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Trong đó, ghẻ sinh dục có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc sự tiếp xúc gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Người có sức để kháng tốt thì số lượng ghẻ không đáng kể, ngược lại bệnh nhân có sức đề kháng kém sẽ xuất hiện nhiều ghẻ hơn.
Ảnh minh họa: Menshealth.
Các nghiên cứu cho thấy bệnh ghẻ là một trong những vấn đề y tế toàn cầu. Các yếu tố thúc đẩy sự lây lan bệnh này là môi trường sống đông đúc, điều trị chậm trễ, ý thức cộng đồng kém. Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm cái ghẻ có thể từ vài ngày đến vài tháng, trung bình khoảng 6 tuần.
Ngứa dữ dội là triệu chứng chính của bệnh ghẻ, bệnh nhân thường ngứa nhiều về đêm hoặc sau khi tắm. Vùng sinh dục của nam và nữ là nơi thường bị bệnh ghẻ nhất. Biểu hiện ban đầu là các nốt màu đỏ, cảm giác ngứa xuất hiện ở bộ phận sinh dục, da tróc vảy, sau đó bội nhiễm xảy ra. Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các đường hầm ngoằn ngoèo màu trắng hoặc xám, đó là đặc trưng của bệnh ghẻ.
Khi bị ghẻ, vùng sinh dục sẽ xuất hiện mài ghẻ, đó là mảnh da dày cứng, có đường hầm ngoằn ngoèo. Nếu không thấy các đường hầm thì nên nghĩ đến các bệnh khác như viêm da dị ứng, mủ da, vảy nến, vết cắn côn trùng.
Ghẻ vùng sinh dục có thể điều trị bằng kem permethrin 5%, thoa lên toàn bộ cơ thể vào ban đêm, lần thứ hai cách lần thứ nhất một tuần. Thuốc trị ghẻ lindane bôi vào vùng sinh dục ít được sử dụng vì có thể gây độc lên hệ thần kinh trung ương cho trẻ em và dễ dẫn đến kháng thuốc. Thuốc ivermectin đường uống với liều dùng cách nhau hai tuần cho thấy tỷ lệ điều trị thành công cao.
Sau khi điều trị ghẻ thành công, cảm giác ngứa vẫn còn dai dẳng sau vài tuần. Bác sĩ Học khuyến cáo, tất cả vật dụng mà bệnh nhân tiếp xúc phải được xử lý tiệt trùng để phòng tái nhiễm. Ở nam giới, sau khi điều trị thành công, các nốt gây ngứa ở đầu dương vật chưa biến mất ngay. Tiêm triamcinolone acetonide pha loãng vào nốt ghẻ ngứa có thể thúc đẩy quá trình biến mất các nốt này.
Qua phần trình bày ở trên, mong rằng sẽ ngày càng nhiều người hiểu rõ và biết cách phòng tránh cũng như xử lý thật tốt khi lỡ mắc phải. Dù vậy, phải công nhận rằng các bệnh lý về đường sinh dục vốn rất khó phát hiện và điều trị thành công chủ yếu do tâm lý e ngại đi khám của người bệnh.
Thanh Thái
Bài liên quan